Thủ phủ tôm giống công nghệ cao: [Bài 3] Những việc cần làm để phát triển bền vững

Mặc dù Ninh Thuận là thủ phủ tôm giống của cả nước, thế nhưng thực tế hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lại chưa tương xứng.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Thuận, năm 2024 dù sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thu cao nhưng cũng là năm các cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn. Khó khăn là do môi trường ngày càng suy giảm khiến dịch bệnh xảy ra, bên cạnh đó, với sức cạnh tranh khốc liệt ở thị trường tiêu thụ, các cơ sở sản xuất tôm giống phải khuyến mãi 100-150% mới tiêu thụ được sản phẩm.

Hiện Ninh Thuận đang duy trì 11 cơ sở an toàn dịch bệnh với tôm giống và tôm bố mẹ. Ảnh: PC.
Hiện Ninh Thuận đang duy trì 11 cơ sở an toàn dịch bệnh với tôm giống và tôm bố mẹ. Ảnh: PC.

Nguyên nhân do nhiều tỉnh khác cũng đang phát triển sản xuất giống thủy sản. Thêm nữa, ngành sản xuất tôm giống còn phải đối mặt với khó khăn về nguyên liệu đầu vào, chi phí đầu vào tăng cao; trong khi đó giá sản phẩm bấp bênh, không ổn định. 

So với các địa phương khác thì Ninh Thuận tự hào là trung tâm sản xuất tôm giống, với sản lượng năm 2024 là 44 tỷ con, chiếm 35% sản lượng tôm giống cả nước. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại cho từng cơ sở sản xuất ngày càng đi xuống. Trước thực trạng trên, từng cơ sở phải có hướng đi phù hợp mới có thể phát nếu bền vững.

Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận thừa nhận: “Sản lượng tôm giống của Ninh Thuận ngày càng tăng, nhưng khó khăn của các doanh nghiệp cũng ngày càng nhiều”.

Ông Quê nêu ví dụ: “Năm 2024 tình hình cạnh tranh sản phẩm tôm giống trên thị trường quá khốc liệt, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận phải khuyến mãi 100% thì mới tìm được đầu ra, có những doanh nghiệp phải khuyến mãi đến 150% mà vẫn không tiêu thụ được”.

Thế nên, theo ông Quê, những thành tựu mà ngành sản xuất tôm giống của Ninh Thuận chưa thể mang lại niềm vui trọn vẹn. Ông Quê cho rằng cần phải phát huy được thương hiệu tôm giống Ninh Thuận để ngành sản xuất tôm giống thoát khỏi vòng vây khó khăn.

“Từ năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp cho Ninh Thuận nhãn hiệu “Tôm giống Ninh Thuận”. Tuy nhiên, đến nay thương hiệu này vẫn chưa được phát huy tối đa. Nếu khai thác được thương hiệu thì các cơ sở sản xuất sẽ thu hút được khách hàng chứ không phải vừa bán vừa cho như hiện nay”, ông Quê khẳng định.

Ngành sản xuất tôm giống Ninh Thuận phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Ảnh: PC.
Ngành sản xuất tôm giống Ninh Thuận phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Ảnh: PC.

Ông Quê đề xuất: “Về quản lý Nhà nước, rất mong các cơ quan chức năng giảm bớt các thủ tục hành chính. Ví như trong điều kiện ương dưỡng, những trại tôm giống chỉ có 30 hồ sản xuất cũng phải đi làm thùng chứa rác thải nguy hại ngang như 1 công ty có quy mô hàng ngàn hồ nuôi. Bố trí thùng chứa rác thải nguy hại là rất cần thiết, nhưng phải áp dụng phù hợp với quy mô thực tế để tháo gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp”.

Cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm giống còn yếu

Còn ông Dư Ngọc Tuấn, Tổng Thư ký Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận thì boăn khoăn: Đối với vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao An Hải, UBND tỉnh Ninh Thuận hiện đang có chủ trương kêu gọi đầu tư vào khu vực này nhằm xây dựng khu sản xuất tôm giống công nghệ cao kiểu mẫu của cả nước. Đây là chủ trương lớn và phù hợp với nguyện vọng của người nuôi tôm.

Tuy nhiên, người dân không biết tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nuôi tôm giống hay đầu tư cơ sở sản xuất giống. Nếu đầu tư cơ sở sản xuất giống thì không biết quỹ đất trong vùng này có còn hay không. Còn nếu đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình cơ ở hạ tầng thì chủ trương, chính sách của tỉnh là gì. Chủ trương, chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đặc thù khu sản xuất tôm giống công nghệ cao kiểu mẫu cần được sớm ban hành để kêu gọi đầu tư.

“Xây dựng khu sản xuất tôm giống công nghệ cao kiểu mẫu nếu trông vào nội lực của tỉnh sẽ rất khó, vì Ninh Thuận còn nhiều khó khăn, cần phải kêu gọi nhà đầu tư. Rất mong ngành nông nghiệp sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành chủ trương, chính sách để các nhà đầu tư cân nhắc tham gia”, ông Tuấn nói.

Năm 2024, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận phải khuyến mãi 100% thì mới tìm được đầu ra. Ảnh: PC.
Năm 2024, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận phải khuyến mãi 100% thì mới tìm được đầu ra. Ảnh: PC.

Một bất cập khác cũng được ông Tuấn nêu ra là: Vùng sản xuất tôm giống Nhơn Hải khá gần với vùng quy hoạch nuôi biển. Do đó, một số doanh nghiệp sản xuất tôm giống trong vùng Nhơn Hải có ý kiến là cần có cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá lại tác động môi trường nuôi biển ven bờ ảnh hưởng đến chất lượng nước phục vụ ngành sản xuất tôm giống như thế nào. Nếu có ảnh hưởng thì cần nghiên cứu, thiết lập vùng đệm để bảo vệ 2 vùng sản xuất tôm giống lớn nhất tỉnh.

Theo ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận, về đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trung tâm giống thủy sản tập trung hiện nay chưa được triển khai rốt ráo. Hiện mới chỉ xây dựng được hệ thống thu gom nước thải, nhưng không biết đầu ra của nước thải trong hệ thống được đưa về đâu.

Chưa kể đến chuyện xung đột giữa các lĩnh vực nuôi khác nhau trong một vùng nuôi; phía trên thì nuôi ốc hương, bên hông nuôi cá; với lượng thức ăn tươi sống của hai đối tượng nuôi nói trên đổ xuống nguồn nước nuôi mỗi ngày sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước nuôi tôm giống. “Chúng tôi rất mong ngành chức năng chỉ đạo quyết liệt khắc phục tình trạng này”, ông Quê đề nghị.

Thủ phủ tôm giống công nghệ cao: [Bài 1] Chiếm hơn 30% sản lượng con giống cả nước

Ninh Thuận được mệnh danh là thủ phủ tôm giống của cả nước, bởi địa phương này có 460 cơ sở sản xuất và chiếm hơn 30% sản lượng tôm giống toàn quốc.

Cung ứng cho thị trường 45 tỷ con giống

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Biển và Thủy sản Ninh Thuận, địa phương có hai khu quy hoạch sản xuất tôm giống, với tổng diện tích 298ha. Trong đó, khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao An Hải (huyện Ninh Phước) có diện tích 168ha và khu sản xuất giống thủy sản tập trung Nhơn Hải (huyện Ninh Hải) có diện tích 130ha.

Ninh Thuận chiếm trên 30% sản lượng tôm giống của cả nước. Ảnh: PC.
Ninh Thuận chiếm trên 30% sản lượng tôm giống của cả nước. Ảnh: PC.

Hiện nay, toàn tỉnh Ninh Thuận có 460 cơ sở sản xuất tôm giống, hàng năm cung ứng cho thị trường khoảng 45 tỷ con tôm post, chiếm trên 30% sản lượng tôm giống của cả nước.

“UBND tỉnh Ninh Thuận đã quy hoạch vùng sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải đến năm 2030 và đang có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư có đủ điều kiện đầu tư vào khu vực này, nhằm xây dựng khu sản xuất giống An Hải thành khu sản xuất tôm giống công nghệ cao kiểu mẫu của cả nước”, bà Nguyễn Thị Lệ cho hay.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Thuận, khu sản xuất giống thủy sản tập trung Nhơn Hải có diện tích khoảng 130ha là khu vực tập trung hơn 60% số cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh, sản lượng giống tôm khu vực này chiếm khoảng 45-55% sản lượng giống của tỉnh.

Ngoài hai khu vực sản xuất giống thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao nói trên, Ninh Thuận còn một số khu vực sản xuất tôm giống nhỏ lẻ như Cà Ná, Ninh Chữ, Tri Hải… sản lượng giống ở những điểm sản xuất này ít, hàng năm đóng góp khoảng 10% sản lượng tôm giống toàn tỉnh.

Năm 2024, Ninh Thuận cung cấp cho thị trường 44 tỷ con tôm giống. Ảnh: PC.
Năm 2024, Ninh Thuận cung cấp cho thị trường 44 tỷ con tôm giống. Ảnh: PC.

“Sản lượng giống thủy sản trong năm 2024 của tỉnh đạt trên 45 tỷ con. Trong đó, tôm giống đạt 44 tỷ con (tôm sú 8,73 tỷ con, tôm thẻ chân trắng đạt 35,62 tỷ con) và giống thủy sản khác 1,3 tỷ con. Với điều kiện hiện tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống của địa phương sẵn sàng sản xuất và đáp ứng trên 30% nhu cầu tôm giống của cả nước”, bà Nguyễn Thị Lệ chia sẻ.

Vùng sản xuất tôm giống bố mẹ duy nhất

Theo Chi cục Biển và Thủy sản Ninh Thuận, vùng sản xuất tôm bố mẹ sạch bệnh Sơn Hải (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) có diện tích 37,7ha là vùng quy hoạch sản xuất tôm bố mẹ đầu tiên và duy nhất trong cả nước. UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I hợp tác với Công ty TNHH Moana Ninh Thuận sản xuất tôm sú bố mẹ gia hóa với diện tích 7ha và Tập đoàn Việt Úc xây dựng Trung tâm sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ với diện tích 15ha.

Theo đó, Tập đoàn Việt Úc hợp tác với Viện SCIRO (Úc) thực hiện chương trình gia hóa tôm thẻ chân trắng bố mẹ, sản lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ của Công ty TNHH Việt Úc Phước Dinh đạt 36.000 con/1 năm. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tôm thẻ chân trắng bố mẹ của Tập đoàn Việt Úc chủ yếu chỉ cung cấp cho hệ thống trại sản xuất tôm giống thuộc Tập đoàn, chưa cung cấp cho các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống bên ngoài.

Tôm giống Ninh Thuận từ lâu đã được người nuôi tôm trên cả nước đánh giá cao về chất lượng và luôn được tin dùng. Ảnh: PC.
Tôm giống Ninh Thuận từ lâu đã được người nuôi tôm trên cả nước đánh giá cao về chất lượng và luôn được tin dùng. Ảnh: PC.

Bên cạnh đó, những năm gần đây Công ty TNHH Moana đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc gia hóa, chọn tạo tôm sú bố mẹ tại Hawaii (Mỹ). Sản lượng tôm sú bố mẹ Moana hàng năm dao động từ 20.000-30.000 con; tôm sú bố mẹ Moana được thị trường đánh giá có chất lượng tốt, sạch bệnh, đảm bảo đủ số lượng để cung ứng cho các cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh, ngoài tỉnh và cả một số nước như Đài Loan, Malaysia, Nigeria, Banglades, Thái Lan, Trung Quốc.

Đến nay, ngành nông nghiệp và môi trường Ninh Thuận đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho 466 cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh, chiếm 100% cơ sở sản xuất tôm giống đang hoạt động.

Cũng theo bà Lệ, tôm giống Ninh Thuận từ lâu đã được người nuôi tôm trên cả nước đánh giá cao về chất lượng và luôn được tin dùng. Nhằm tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm tôm giống Ninh Thuận trên thị trường, năm 2016, Sở NN-PTNT Ninh Thuận (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tôm giống tỉnh Ninh Thuận. Năm 2018, thương hiệu giống Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận.

Nguồn trích dẫn: website < https://nongnghiepmoitruong.vn/thu-phu-tom-giong-cong-nghe-cao-bai-1-chiem-hon-30-san-luong-con-giong-ca-nuoc-d750489.html >

Thủ phủ tôm giống công nghệ cao: [Bài 2] Giữ thương hiệu cho tôm giống

Ngành chức năng kiểm soát chặt chất lượng tôm giống đầu vào, từ tôm bố mẹ nhập khẩu đến tôm đánh bắt trong tự nhiên để giữ chữ tín thương hiệu tôm giống Ninh Thuận.

Theo ông Huỳnh Minh Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm giống là nhiệm vụ thường xuyên của ngành chức năng tỉnh này.

Ninh Thuận có hai khu quy hoạch sản xuất tôm giống, với tổng diện tích 298ha. Ảnh: PC.
Ninh Thuận có hai khu quy hoạch sản xuất tôm giống, với tổng diện tích 298ha. Ảnh: PC.

Đến nay, trên địa bàn Ninh Thuận đã có 457 cơ sở sản xuất tôm giống được ngành chức năng cấp chứng nhận đủ điều kiện ương dưỡng tôm giống. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận thường xuyên kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống đầu vào, từ con tôm sú bố mẹ nhập khẩu cũng như tôm sú đánh bắt trong tự nhiên.

Đối với tôm giống vận chuyển nội tỉnh thì không được kiểm dịch, tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận nắm bắt kỹ việc vận chuyển từ cơ sở có nhập tôm bố mẹ về đến cơ sở trong quá trình sản xuất giống để giám sát theo đợt, theo trại, để kiểm soát chặt chẽ tôm giống đầu vào.

Cũng theo ông Khánh, công tác giám sát địa bàn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận nắm bắt nhật ký sản xuất, thu mẫu định kỳ, nhằm đảm bảo kiểm soát 3 bệnh nguy hiểm thường xảy ra trên tôm. Khi tôm bị nhiễm bệnh, chi cục đề nghị cơ sở sản xuất tiêu hủy số tôm này.

Đặc biệt, ngành chức năng Ninh Thuận đã thực hiện kiểm dịch trên phần mềm, nên công tác kiểm dịch được diễn ra nhanh chóng, tạo thuận lợi cho kiểm dịch viên và các trại nuôi tôm giống. Lúc cao điểm, ngành chức năng Ninh Thuận phải giải quyết đến 300 hồ sơ/ngày, nhân lực của Chi cục Chăn nuôi và Thú y không đủ để thực hiện công tác kiểm dịch.

Công tác kiểm soát dịch bệnh tôm giống được Ninh Thuận đặc biệt chú trọng. Ảnh: PC.
Công tác kiểm soát dịch bệnh tôm giống được Ninh Thuận đặc biệt chú trọng. Ảnh: PC.

Khi công tác kiểm dịch được thực hiện trên phần mềm, kết quả kiểm dịch được máy tổng hợp và gửi đến các địa phương nơi tiếp nhận con giống vào lúc 16 giờ 30 phút hàng ngày. Đến kỳ cơ sở xuất bán tôm giống, khi đã có kết quả xét nghiệm, kiểm dịch viên chỉ kiểm tra lại số lượng các loại, kiểm tra lại lô hàng và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

“Số giấy chứng nhận kiểm dịch Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cấp trong năm 2024 là 69.274 giấy, tăng so với năm 2022 và 2023. Riêng số lượng tôm post, trong năm 2024, ngành chức năng Ninh Thuận đã kiểm dịch được 37,358 tỷ con, đạt 82% số lượng tôm giống và giám sát nội tỉnh được 2,9 tỷ con tôm giống, 7,5 tỷ Nau; nhập khẩu tôm bố mẹ năm trước đạt hơn 72.000 con”, ông Huỳnh Minh Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cho hay.

Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh

Cũng theo ông Huỳnh Minh Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, sở dĩ công tác kiểm dịch tôm giống mới chỉ đạt 82% số lượng tôm giống sản xuất ra là do các trại sản xuất tôm giống còn trốn tránh kiểm dịch. Số lượng kiểm dịch tuy không hạn chế, nhưng các trại sản xuất tôm giống khai báo không đủ, nhất là phần tôm khuyến mãi các trại không khai báo trong giấy chứng nhận kiểm dịch.

“Ví như hôm nay trại xuất bán 1 triệu con tôm giống, thế nhưng thực tế trên xe có đến 1,5 triệu con, 500.000 con thừa ra là để khuyến mãi cho khách hàng, thường thì số lượng tôm giống không được khai báo tình trạng này xảy ra rất nhiều”, ông Huỳnh Minh Khánh bộc bạch.

Sản lượng tôm giống được sản xuất trong những cơ sở an toàn dịch bệnh chiếm khoảng 15-20% sản lượng tôm giống toàn tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: PC.
Sản lượng tôm giống được sản xuất trong những cơ sở an toàn dịch bệnh chiếm khoảng 15-20% sản lượng tôm giống toàn tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: PC.

Trong năm 2024, tôm bố mẹ xuất tỉnh là 24.466 con, gồm tôm thẻ và tôm sú bố mẹ; trong đó, tôm sú bố mẹ là 4.266 con, còn tôm thẻ bố mẹ 20.200 con. Tôm thẻ bố mẹ chủ yếu của Công ty TNHH Việt Úc xuất nhập trong nội bộ, đưa về Bến Tre, Bình Thuận, Bình Định. Lượng Nauplius, giai đoạn đầu của tôm giống (viết tắt là Nau) xuất tỉnh trong năm 2024 là 8,2 tỷ con, chủ yếu đi về Bạc Liêu. 

Tất cả các cơ sở sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận đều lấy mẫu để ngành chức năng thực hiện công tác giám sát bệnh các bệnh nguy hiểm trên tôm như bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp và hoại tử cơ. Trong 6.191 mẫu gộp; ngành chức năng chỉ phát hiện có 1 mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp, chiếm 0,02% trong tổng số mẫu. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với năm 2023 (năm 2023, ngành chức năng Ninh Thuận lấy 5.431 mẫu, trong đó có 29 mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp).

Nguồn trích dẫn: website < https://nongnghiepmoitruong.vn/thu-phu-tom-giong-cong-nghe-cao-bai-2-giu-thuong-hieu-cho-tom-giong-d750495.html >

Công nghệ nuôi tôm của Việt Nam không thua bất kỳ quốc gia nào

Điều này được chứng minh qua các kết quả về năng suất, sản lượng, nhưng giá thành vẫn là rào cản lớn với sản phẩm tôm Việt Nam khi thâm nhập thị trường thế giới.

Ngành tôm Việt Nam có lợi thế để cải thiện thứ hạng

Theo ông Trình Trung Phi, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt – Úc, mặc dù là quốc gia có sản lượng tôm xuất khẩu đứng thứ 3 trên toàn thế giới nhưng Việt Nam có lợi thế rất lớn để cải thiện thứ hạng.

Việt Nam có điều kiện khí hậu thuận lợi cho phép nuôi tôm quanh năm, đặc biệt còn sở hữu một vùng cửa sông rộng lớn như châu thổ Mê Kông với lưu lượng nước đổ ra biển trung bình 13.200 m3/s; mùa lũ có thể lên đến 30.000 m3/s.

Th.S Trình Trung Phi, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc nhận định, mặc dù là quốc gia có sản lượng tôm xuất khẩu đứng thứ 3 trên toàn thế giới nhưng Việt Nam có lợi thế rất lớn để cải thiện thứ hạng. Ảnh: Tùng Đinh. 
Th.S Trình Trung Phi, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt – Úc nhận định, mặc dù là quốc gia có sản lượng tôm xuất khẩu đứng thứ 3 trên toàn thế giới nhưng Việt Nam có lợi thế rất lớn để cải thiện thứ hạng. Ảnh: Tùng Đinh

Trong khi đó, lưu lượng nước của Sông Rio Guayas chỉ đạt trung bình 1.982 m3/s nhưng đã đóng góp lên đến 83% sản lượng của Ecuador – quốc gia có sản lượng tôm nuôi lớn nhất hiện nay.

Xét về tiềm năng diện tích nuôi, Việt Nam hiện sở hữu tổng diện tích nuôi tôm nước lợ lớn hơn cả Ecuador. Cụ thể, Ecuador chỉ có khoảng 215.611 ha và đã khai thác 100% diện tích này. Trong khi đó, Ấn Độ có 191.882 ha nuôi tôm nước lợ, nhưng đã dành riêng 125.673 ha cho tôm thẻ chân trắng.

Việt Nam chỉ mới sử dụng 120.951 ha cho thẻ chân trắng trong năm 2024, tăng 5.471 ha so với năm 2023 và mới sử dụng 16,41% diện tích cho đối tượng tiềm năng này.

Trong những năm gần đây, thách thức lớn nhất của ngành tôm Việt Nam là vấn đề dịch bệnh. Các bệnh do vi khuẩn có chứa các plasmid độc lực ngày càng tăng, gây ra các bệnh làm tôm chết nhanh ở giai đoạn nhỏ như: Bệnh mờ đục hậu ấu trùng (TPD), hoại tử gan tụy cấp (AHPND)…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuống giống của người nuôi tôm. Cùng với đó, tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu càng làm gia tăng rủi ro và bất ổn trong sản xuất.

Ngoài ra, nhiều bệnh nguy hiểm khác như: Đốm trắng, EHP, phân trắng… vẫn chưa có giải pháp kiểm soát thực sự hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn người nuôi tôm vẫn hoạt động theo quy mô nông hộ, với điều kiện cơ sở vật chất hạn chế và các biện pháp an toàn sinh học chưa được áp dụng đầy đủ hoặc đúng cách, dẫn đến hiệu quả phòng bệnh không cao.

Giá thành vẫn là rào cản lớn

Theo ông Phi, đến thời điểm hiện nay, có thể nói rằng công nghệ nuôi tôm của Việt Nam không thua bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Điều này được chứng minh qua các kết quả về năng suất và sản lượng.

Tuy nhiên, giá thành vẫn là rào cản lớn đối với các sản phẩm tôm Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường thế giới. Nguyên nhân là do phần lớn nuôi tôm ở nước ta là nông hộ nhỏ lẻ, với quy mô 1 – 3 ha, trong khi mật độ thả nuôi thường cao hơn Ecuador 5 – 10 lần.

Tập đoàn Việt - Úc ứng dụng công nghệ bắn chip điện tử cho tôm bố mẹ phục vụ quá trình theo dõi. Ảnh: Hồng Thắm.
Tập đoàn Việt – Úc ứng dụng công nghệ bắn chip điện tử cho tôm bố mẹ phục vụ quá trình theo dõi. Ảnh: Hồng Thắm.

Do diện tích nuôi nhỏ và mật độ thả nuôi cao, các yêu cầu về an toàn sinh học trong hệ thống nuôi của Việt Nam lại thường không được đảm bảo, khiến việc kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Đây chính là một trong những nguyên nhân đẩy giá thành tôm nuôi của nước ta ở mức cao.

Bên cạnh đó, do thiếu vốn, người nuôi thường phải mua sản phẩm đầu vào qua nhiều khâu trung gian, khiến giá bị đội lên 30 – 40%.

Trong khi đó, các quốc gia như Ecuador có giá thành sản xuất thấp một phần do quy mô trang trại lớn. Trang trại diện tích từ 10 ha trở lên chiếm trên 80% tổng diện tích nuôi. Sản lượng lớn thường đến từ các trại có quy mô 50 – 250 ha với tỷ lệ gần 30% tổng diện tích.

Bên cạnh đó, các sản phẩm đầu vào không qua nhiều khâu trung gian. Đồng thời còn tối ưu được chi phí nhân công và năng lượng.

Thay đổi thể chế, quy định để các viện chuyên ngành có thể phối hợp nhanh chóng với doanh nghiệp

Tập Đoàn Việt – Úc đang giải quyết các khó khăn của ngành tôm thông qua chương trình chọn giống, đưa hàng loạt các nghiên cứu và ứng dụng mới về dinh dưỡng trong khâu sản xuất giống, ương vèo như thức ăn tổng hợp chất lượng cao, artemia, tảo… để có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi từ 100 ngày xuống còn 70 ngày với các ứng dụng về công nghệ cho thức ăn theo yêu cầu, siphon tự động, sử dụng các chế phẩm sinh học có nhiều chức năng về tăng cường miễn dịch và khả năng tiêu hóa của tôm nuôi.

Nhà máy chế biến tôm của Tập đoàn Việt - Úc. Ảnh: Hồng Thắm.
Nhà máy chế biến tôm của Tập đoàn Việt – Úc. Ảnh: Hồng Thắm.

Đối với mảng thức ăn tôm, Việt – Úc đã liên kết với Tập đoàn Biomar hình thành nên liên doanh thức ăn Biomar Việt – Úc để nhanh chóng đưa các nghiên cứu mới của thế giới về dinh dưỡng, tiếp cận các nguồn nguyên liệu cao cấp giá rẻ nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao nhưng giá cả hợp lý cho người nuôi.

Việt – Úc cũng luôn tạo ra sân chơi mở để các tập đoàn lớn trên thế giới có thể cùng phối hợp nghiên cứu nhằm tìm ra những giải pháp kịp thời cho người nuôi.

Điều mà Việt – Úc mong muốn nhất là Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhanh chóng triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, thay đổi thể chế, quy định để các viện chuyên ngành có thể phối hợp nhanh chóng với các doanh nghiệp nhằm kịp thời đưa các sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất. Đồng thời cùng phối hợp nghiên cứu các vấn đề thực tiễn mà doanh nghiệp thực sự cần, từ đó góp phần thúc đẩy ngành tôm nước lợ phát triển bền vững.

Nguồn trích dẫn: website < https://nongnghiepmoitruong.vn/cong-nghe-nuoi-tom-cua-viet-nam-khong-thua-bat-ky-quoc-gia-nao-d752648.html >

Năng lượng tái tạo giảm mạnh phát thải carbon trong nuôi tôm thẻ chân trắng

Một nghiên cứu đánh giá dấu chân carbon trong nuôi tôm thẻ chân trắng ở Trung Quốc cho thấy tiềm năng giảm phát thải carbon khi sử dụng năng lượng tái tạo.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Trung Quốc – nước sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới đã lần đầu tiên nghiên cứu đánh giá dấu chân carbon (carbon footprint) đối với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) trong hệ thống tuần hoàn khép kín (RAS). Kết quả cho thấy hệ thống này có tiềm năng giảm phát thải nếu sử dụng năng lượng tái tạo và tối ưu hóa hiệu suất nuôi.

Nghiên cứu được thực hiện trên 4 cơ sở nuôi tại tỉnh Quảng Đông, sử dụng phương pháp đánh giá vòng đời (LCA) từ đầu vào đến khi tôm thẻ chân trắng được thu hoạch. Dấu chân carbon được ghi nhận dao động từ 13,8 đến 14,9 tấn CO2 tương đương trên mỗi tấn tôm thương phẩm.

Trong đó, điện năng chiếm tỷ trọng lớn nhất (hơn 50%), tiếp theo là phát thải sinh học từ hô hấp của tôm thẻ chân trắng, thức ăn và vật liệu xây dựng. Đáng chú ý, hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời giảm phát thải tới 92% so với khi dùng điện sản xuất từ than đá.

Theo các nhà nghiên cứu, phát thải sinh học có thể là chỉ số đánh giá hiệu quả sinh trưởng và quản lý nuôi trồng. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò đáng kể trong tổng phát thải, nhất là ở những trang trại tôm thẻ chân trắng quy mô lớn.

Kết quả nghiên cứu này đã góp phần làm rõ những thách thức và cơ hội để ngành tôm Trung Quốc ứng dụng công nghệ cao chuyển hướng sang sản xuất ít phát thải, thân thiện với môi trường hơn trong tương lai.

Nguồn trích dẫn: website < https://nongnghiepmoitruong.vn/nang-luong-tai-tao-giam-manh-phat-thai-carbon-trong-nuoi-tom-the-chan-trang-d754097.html >