Mít ruột đỏ ‘sốt’ giá do Trung Quốc tăng mua

Gần đây, Trung Quốc tăng mua mít ruột đỏ khiến giá bán tại vườn lên 105.000 đồng một kg cho hàng loại 1, cao gấp gần 4 lần so với tháng 7.

Thu hoạch vườn mít ruột đỏ ở Vĩnh Long, chị Oanh phấn khởi vì bán được giá cao kỷ lục. Cụ thể, nửa tấn mít đỏ loại 1 được chị bán giá 105.000 đồng mỗi kg, một tấn loại 2-3 có giá 35.000-80.000 đồng. “Sau khi trừ chi phí, tôi có lãi khoảng 70 triệu đồng”, chị Oanh nói.

Tượng tự, anh Hoàng ở Cần Thơ, sở hữu vườn mít đỏ vài chục cây, đang được thương lái hỏi mua với giá 103.000 đồng một kg. “Chưa năm nào giá cao như đợt này. Nếu so với hồi tháng 7 (lúc xuống đáy), giá đang tăng gần 4 lần”, anh Hoàng chia sẻ.

Ghi nhận tại các vựa mít ở Đồng Nai, Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ, giá mít ruột đỏ cũng tăng mạnh. Theo đó, mít loại 1 (mỗi quả 8 kg) có giá 95.000-105.000 đồng một kg, loại 2 (quả 6 kg) là 85.000 đồng và loại 3 (quả 4 kg) quanh 35.000 đồng.

Mít ruột đỏ tại nhà vườn ở Cần Thơ. Ảnh: Mạnh Khương
Mít ruột đỏ tại nhà vườn ở Cần Thơ. Ảnh: Mạnh Khương

Anh Hòa – thương lái thu mua mít tại Vĩnh Long – cho biết từ tháng 10, giá mít liên tục tăng cao. “Có bao nhiêu mít ruột đỏ tôi đều gom hết vì nhu cầu thị trường tăng đột biến so với 4 tháng trước đó”, anh cho hay.

Ông Đặng Mạnh Khương, chủ cơ sở thu mua trái cây ở Cần Thơ, cho biết có khoảng 600 gốc sắp thu hoạch. Thay vì bán lẻ và đổ sỉ cho các mối nội địa, năm nay ông chủ yếu bán cho doanh nghiệp xuất sang Trung Quốc.

Nguyên nhân khiến giá mít ruột đỏ tăng vọt được các tiểu thương cho biết do Trung Quốc đẩy mạnh thu gom. Năm nay, ngoài mít Thái, nước này còn tăng cường mua mít ruột đỏ. Tuy nhiên, diện tích trồng loại này tại các tỉnh miền Tây còn thấp, tức nguồn cung ít khiến giá tăng cao.

Theo dân địa phương, mít ruột đỏ ăn ngon, đẹp mắt nhưng nếu cắt chưa tới tuổi, múi sẽ không ngon bằng mít Thái. Ngược lại, cắt lúc quá tuổi, múi rất mau chín khó vận chuyển xuất khẩu.

Thống kê sơ bộ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh miền Tây và Nam Bộ, cho thấy diện tích trồng mít ruột đỏ hiện nay gần 2.000 ha. Trong đó, Bình Phước đang trồng trên 1.000 ha và dự kiến đến năm 2025 là 3.000 ha. Các tỉnh còn lại như Sóc Trăng, Hậu Giang, Long An cũng đang trồng với diện tích vài chục đến vài trăm ha.

Mặc dù mít ruột đỏ đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh khuyến cáo nông dân không nên trồng ồ ạt. Trước khi trồng mít này, nhà vườn cần thận trọng cân nhắc về hiệu quả kinh tế lâu dài và hướng đến đầu ra bền vững sau thu hoạch, tránh tình trạng trồng mất kiểm soát gây thừa nguồn cung, giá sẽ giảm.

Nguồn trích dẫn: website < https://vnexpress.net/mit-ruot-do-sot-gia-do-trung-quoc-tang-mua-4672679.html >

Mẹo tẩy nhựa mít đơn giản

Mít là trái cây được nhiều người yêu thích vào mùa hè nhưng cũng gây khó chịu bởi nhựa rất dính và khó làm sạch của nó.

Theo Đông y, mít có vị ngọt, tính ấm, có công dụng trợ phế khí, trừ chứng âm nhiệt. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mít chín giúp bổ sung vitamin A, C, kẽm, canxi, sắt giúp tăng cường đề kháng, hạn chế nếp nhăn.

Tuy nhiên, do mít chứa hàm lượng đường cao nên những người tiểu đường, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ cần hạn chế.

Mít là loại trái cây được yêu thích trong mùa hè. Ảnh: Bùi Thủy
Mít là loại trái cây được yêu thích trong mùa hè. Ảnh: Bùi Thủy

Trong thân cây mít và đặc biệt quả mít chứa nhựa trắng rất dính. Theo nhiều nghiên cứu, nhựa mít chứa artostenon, axit béo và cao su tự nhiên polyisopren.

Một số mẹo đơn giản dưới đây giúp việc bổ mít, ăn mít trở nên dễ dàng hơn và không còn bị ám ảnh bởi nhựa mít dính tay, dính dao.

Cám gạo giúp bong nhựa mít hiệu quả. Ảnh: Bùi Thủy
Cám gạo giúp bong nhựa mít hiệu quả. Ảnh: Bùi Thủy

Dùng gạo: Theo kinh nghiệm dân gian, khi bị nhựa mít dính vào tay hoặc dao chỉ cần vào vào thùng gạo rồi chà xát. Lúc này cám gạo bám vào tay khiến nhựa mít mất độ bám rồi vón cục lại bong ra, rửa sạch lại là được.

Dùng dầu hỏa hoặc xăng: Mẹo này gắn bó với tuổi thơ nhiều người thuở trước chưa có điện còn học bài bằng đèn dầu hỏa. Mỗi lần nhà ăn mít nếu nhựa dính tay bên cạnh xoa cám gạo thì mọi người hay dùng dầu hỏa. Dầu hỏa là chất dung môi có cấu trúc phân tử không phân cực vì thế dễ làm tan nhựa mít.

Dùng tro bếp: Cũng giống như cám gạo, khi xoa tay hoặc dao vào tro bếp cũng khiến nhựa mít mất đi độ dính rồi bong ra. Cách này hiện nay ở thôn quê, các bà các chị vẫn thường dùng nếu nhà còn nấu bếp củi, bếp rạ. Tuy nhiên ở thành thị cách này khó áp dụng vì không có sẵn tro bếp.

Dầu ăn, dầu hỏa giúp tẩy nhựa mít đơn giản. Ảnh: Bùi Thủy
Dầu ăn, dầu hỏa giúp tẩy nhựa mít đơn giản. Ảnh: Bùi Thủy

Dùng dầu ăn: Lấy chút dầu ăn thoa lên tay hoặc dao trước khi bổ hoặc tách múi mít chín là cách mà hiện nay nhiều người hay áp dụng. Sau đó rửa sạch lại là được. Dầu ăn cũng như dầu hỏa là dung môi không phân cực nên làm tan nhựa mít dễ dàng. Đây cũng là cách mà một số người già theo lối cũ vẫn giã nát vài hạt lạc sống chà lên nhựa mít để tẩy dính một cách nhanh gọn.

Nhúng dao qua nước khi bổ mít: Để sẵn một âu/chậu nước sạch bên cạnh khi bổ mít. Cứ mỗi lần bổ là dấp nước trước thì phần nhựa sẽ không dính vào dao.

Dùng lá mướp: Theo lối xưa, các cụ vẫn truyền miệng cách cũ dùng lá mướp chà xát vào dao sẽ giúp bong nhựa mít. Sau đó rửa sạch lại là được.

Dùng chanh hoặc giấm: Một mẹo đơn giản khác để tẩy nhựa mít dính tay, dính quần áo là dùng chanh hoặc giấm. Axit (vị chua) có trong chanh, giấm vừa giúp bong nhựa mít lại có mùi thơm dịu, mềm mại cho da tay tốt cho những người có da nhạy cảm.

Hơ dao qua lửa: Một cách khác để xử lý nhựa mít bám dày đặc trên dao là hơ qua lửa cho nhựa tan chảy rồi dùng giấy ăn lau hết, rửa sạch lại là được.

Nguồn trích dẫn: website < https://vnexpress.net/doi-song-cooking-meo-tay-nhua-mit-don-gian-4738906.html >

Những sai lầm thường gặp khi ăn mít

Hàm lượng đường trong mít rất cao, nếu ăn vào lúc đói có thể gây tăng đường huyết đột ngột khiến hoa mắt chóng mặt. 

Mít là loại quả quen thuộc vào mùa hè, giàu kẽm, canxi, sắt… Trừ lớp vỏ gai, phần còn lại của quả mít hầu như đều ăn được. Múi mít chín, ngọt. Xơ mít để ăn hoặc muối chua. Quả mít non còn dùng để nấu canh, kho cá, trộn gỏi… Lá mít tươi giã nát đắp lên những mụn nhọt đang sưng đau hoặc dùng lá mít khô nấu thành cao, bôi lên những vết lở loét rất hiệu quả.

Mít bổ sung vitamin C, vitamin A làm tăng sức đề kháng của cơ thể, giúp duy trì đủ độ ẩm giúp da hồng hào và hạn chế nếp nhăn.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết tuy mít giàu dinh dưỡng nhưng không phù hợp những người thường bị mụn nhọt, rôm sảy, nóng trong người. Hàm lượng đường cao trong mít làm tăng đường huyết đột biến, gây choáng váng, hoa mắt.

Trừ lớp vỏ gai,phần còn lại của mít đều có lợi cho sức khoẻ nếu ăn đúng cách. Ảnh: Health
Trừ lớp vỏ gai, phần còn lại của mít đều có lợi cho sức khoẻ nếu ăn đúng cách. Ảnh: Health

Ăn mít lúc đói sẽ khiến hàm lượng đường trong máu của cơ thể đột ngột bị tăng cao, đầy bụng, khó tiêu. Bạn chỉ nên ăn mít sau khi ăn cơm một hoặc hai giờ, nhất là vào mùa nóng để tránh gây hại cho sức khoẻ.

Ăn mít vào buổi tối có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa vì hàm lượng chất xơ cao nhất là hạt mít. Nên ăn mít kèm với những hoa quả chín khác để cung cấp đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Khi ăn cần nhai kỹ và không ăn vào buổi chiều tối. Nếu người nóng trong, hay nổi mụn nhọt, khi ăn mít cần bổ sung đủ nước và rau xanh.

Không dám ăn mít do sợ gây tăng cân. Điều này không đúng. Mít chứa nhiều vitamin tốt. Bạn có thể uống 1 ly nước ép mít sau ăn một giờ vừa tốt cho sức khoẻ, vừa giảm cân hiệu quả. 

Những người không nên ăn mít:

Người bị gan nhiễm mỡ, tiểu đường, suy thận mạn tính, người bị suy nhược, sức khỏe yếu…cần thận trọng khi ăn mít. Người bị tiểu đường và gan nhiễm mỡ cần tuyệt đối kiêng mít.

Những người đang muốn mang thai nên tránh ăn mít bởi chúng có thể gây giảm ham muốn tình dục, giảm cảm giác khi được kích thích tình dục và giảm khả năng, sức lực ở nam giới.

Trẻ em bị mụn nhọt, rôm sẩy cũng hạn chế không nên ăn do lượng đường trong máu cao thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh ngoài da phát triển như liên cầu, tụ cầu …

Nguồn trích dẫn: website < https://vnexpress.net/nhung-sai-lam-thuong-gap-khi-an-mit-3914567.html >

Ăn mít cùng thực phẩm khác có gây ngộ độc?

Nhiều người cho rằng ăn mít cùng thực phẩm khác sẽ gây khó tiêu và ngộ độc, điều này đúng hay sai? (Hồng, 32 tuổi, TP HCM)

Trả lời:

Mít là trái cây quen thuộc của vùng nhiệt đới, có rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Mít chứa vitamin C dồi dào. Ngoài ra còn chứa vitamin B bao gồm vitamin B6, niacin, riboflavin và axit folic. Hạt mít cũng có nhiều protein, kali, canxi và sắt.

Song, loại trái cây này chứa nhiều đường fructose và đường glucose, khi ăn vào được cơ thể hấp thu ngay, dẫn đến khó kiểm soát hàm lượng đường trong máu.

Trên thực tế, vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu hoặc các trường hợp nào cho thấy mít ăn cùng với các loại trái cây hoặc thực phẩm khác sẽ gây ngộ độc.

Tuy nhiên, khi ăn mít chung với khoai hoặc uống cùng sữa sẽ làm tăng thêm lượng đường trong món ăn, có thể gây khó tiêu, tăng đường huyết, dễ nổi mụn. Thậm chí dẫn tới dư thừa năng lượng gây thừa cân, béo phì nếu ăn kết hợp mít với các món trên trong thời gian dài.

Thông thường chỉ nên ăn từ 100-150 g mít/lần, khoảng 5-6 múi mít. Khi ăn mít cần giảm khẩu phần carbohydrate (tinh bột, trái cây, đường…) để tránh làm tăng đường huyết và dư thừa năng lượng không cần thiết.

Nguồn trích dẫn: website < https://vnexpress.net/an-mit-cung-thuc-pham-khac-co-gay-ngo-doc-4756455.html >

7 lý do bạn nên ăn mít

Dinh dưỡng của mít giúp bảo vệ mắt, tăng hệ miễn dịch, cải thiện tiêu hóa và năng lượng, tim khỏe, tốt cho xương, tinh trùng. 

Tăng cường hệ miễn dịch 

Mít chứa nhiều chất chống oxy hóa ngăn lão hóa sớm, bệnh nhiễm trùng và bệnh thông thường như cảm lạnh và cúm. 

Mít cũng giàu vitamin C, quan trọng trong việc chống lại các gốc tự do gây tổn hại tế bào. 

Cải thiện mức năng lượng 

Mít chứa lượng carbohydrate đáng kể có thể làm tăng năng lượng mà không tăng đường huyết. Ngoài ra sucrose và fructose trong mít giúp cơ thể tiêu hóa dễ dàng. Đường trong mít có đặc tính giải phóng glucose làm giảm chỉ số đường huyết.

Tim mạch khỏe mạnh 

Mít cung cấp 10% kali của cơ thể giúp điều hòa huyết áp, đau tim, đột quỵ. Cơ thể thiếu kali sẽ làm đảo lộn sự co bóp của tim và tính linh hoạt của mạch máu.

Lợi ích của việc ăn mít. Ảnh: Natural News.
Lợi ích của việc ăn mít. Ảnh: Natural News.

Cải thiện tiêu hóa

Mít nhiều chất xơ giúp tiêu hóa tốt, ngăn ngừa táo bón. 

Bảo vệ mắt

Mít nhiều vitamin A và một số chất chống oxy hóa carotene cần thiết tốt cho mắt. Vitamin A và các hợp chất liên quan củng cố màng nhầy trên giác mạc. Ăn mít sẽ làm chậm quá trình thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, bảo vệ thị lực.

Tốt cho xương

Những người mắc chứng không dung nạp đường sữa có thể ăn mít để xương chắc khỏe. Mít chứa lượng canxi cao làm tăng mật độ xương, ít nguy cơ bị gãy hoặc loãng xương. 

Tăng số lượng tinh trùng 

Hạt mít giàu protein, kali, canxi và sắt. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, thường xuyên ăn hạt mít chín có thể cải thiện chất lượng tinh dịch và tăng số lượng tinh trùng. 

Nguồn trích dẫn: website < https://vnexpress.net/7-ly-do-ban-nen-an-mit-3921092.html >