Thanh long Việt đổ sang Mỹ, Anh, Đức

Trong khi Trung Quốc giảm mua, thanh long Việt sang Mỹ, Anh, Đức trong 4 tháng đầu năm tăng 100-266% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy 4 tháng đầu năm xuất khẩu thanh long của Việt Nam đạt 230 triệu USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cũng khiến tỷ trọng thanh long trong rổ trái cây xuất khẩu giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc, thị trường xuất khẩu chủ lực, tiếp tục lao dốc trong 4 tháng đầu năm và chỉ đạt 162 triệu USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng Trung Quốc đại lục, thanh long xuất khẩu sang Hong Kong, Nhật Bản cũng quay đầu giảm 0,6-7,5%.

Ngược chiều xu hướng giảm, xuất khẩu thanh long Việt sang Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Australia, Ấn Độ bất ngờ tăng vọt. Trong đó, xuất khẩu sang Đức và Anh tăng mạnh nhất gấp 2,3-2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 786.000 USD sang Đức, và hơn 1 triệu USD ở thị trường Anh.

Còn sang Mỹ, xuất khẩu thanh long tăng trên 102% với 13 triệu USD, Ấn Độ tăng 33% với 16,5 triệu USD.

Thu hoạch thanh long tại Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Ảnh: Việt Quốc
Thu hoạch thanh long tại Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Ảnh: Việt Quốc

Nói với VnExpress, lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu trái cây có trụ sở ở TP HCM cho hay thanh long xuất sang các thị trường Mỹ, Anh, Đức, Ấn Độ tỷ trọng chưa lớn nhưng đây là điểm sáng khi người tiêu dùng các nước ngày ngày càng ưa chuộng hàng Việt. Khi hàng Việt trở nên phổ biến, kim ngạch xuất khẩu nửa cuối năm sẽ còn tăng cao.

Hiện, vụ thanh long năm nay trên thị trường kích cỡ đồng đều hơn so với mọi năm và trọng lượng vừa phải nên phù hợp với nhu cầu của các nước phương Tây.

Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho rằng năm nay toàn cầu bị ảnh hưởng bởi El Nino nên sản lượng thanh long bán ra trên toàn cầu lao dốc. Tại các quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ, nguồn cung từ Mexico và các nước Nam Mỹ năm nay cũng bị mất mùa nên cơ hội để hàng Việt đánh chiếm.

Nhờ các thị trường mới tăng mua, kim ngạch xuất khẩu thanh long tránh sự sụt giảm mạnh. Ngoài ra, nguồn cung giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu giúp giá thanh long những tháng đầu năm ở mức cao.

Hiện, thanh long ruột trắng tại nhiều địa phương đang tăng 2.000-3.000 đồng một kg so với tháng trước, ở mức 14.000-16.000 đồng một kg. Còn hàng ruột đỏ dao động 30.000-43.000 đồng một kg (tùy loại).

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận, toàn tỉnh có 26.500 ha thanh long, giảm gần 1.150 ha so cùng kỳ năm 2023. Năm nay thời tiết nắng nóng gay gắt, gió mạnh nên năng suất thu hoạch thanh long của người dân giảm mạnh so với cùng kỳ.

Nguồn trích dẫn: website < https://vnexpress.net/thanh-long-viet-do-sang-my-anh-duc-4754691.html >

Thanh long vượt sầu riêng, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu

Tháng 1, sầu riêng mất “ngôi vương” xuất khẩu khi kim ngạch giảm 73%, xuống 31 triệu USD, còn thanh long vươn lên dẫn đầu với 58 triệu USD.

Hai năm liên tiếp, sầu riêng dẫn đầu bảng xếp hạng xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Tuy nhiên đầu năm nay, cục diện này đã thay đổi. Số liệu từ hải quan cho thấy xuất khẩu sầu riêng giảm mạnh, nhất là thị trường Trung Quốc – nơi chiếm phần lớn đầu ra của loại trái cây này.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tháng 1 chỉ đạt 18 triệu USD, giảm hơn 83% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong tháng đầu năm chỉ khoảng 31 triệu USD. Với mức giảm mạnh nhất trong nhóm 30 loại trái cây xuất khẩu, sầu riêng đã nhường ngôi đầu cho thanh long (58 triệu USD).

Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu thanh long đang phục hồi mạnh, với kim ngạch tháng 1 tăng 35% so với tháng 12/2024. Đà tăng này kéo giá thanh long trên thị trường nhích lên, giúp loại trái cây này lấy lại vị thế. Hiện mỗi kg thanh long ruột trắng duy trì mức giá cao, từ 8.000-14.000 đồng một kg.

Trong khi đó, ông Nguyên nói sầu riêng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định mới từ Trung Quốc và nhiều thị trường khác. Trung Quốc siết chặt kiểm tra hợp chất vàng O – một chất có nguy cơ gây ung thư – khiến nhiều lô hàng sầu riêng bị ách tắc, buộc doanh nghiệp bán lại ở thị trường trong nước với giá thấp.

Mỹ cũng cấm 7 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời yêu cầu mã số vùng trồng và mã số đóng gói do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp. Châu Âu tăng tỷ lệ kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với nhiều loại trái cây từ 10% lên 20%.

Một vườn thanh long đang cho thu hoạch lứa đầu xuân ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Việt Quốc
Một vườn thanh long đang cho thu hoạch lứa đầu xuân ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Việt Quốc

Với những rào cản gia tăng, xuất khẩu sầu riêng dự báo còn gặp khó trong quý I. Điều này khiến giá mặt hàng này đầu năm giảm mạnh. Tại các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, giá sầu riêng Ri 6 loại 1 đang dao động 55.000-84.000 đồng một kg, giảm 15.000-31.000 đồng so với tuần trước.

Năm ngoái, sầu riêng lập kỷ lục với kim ngạch xuất khẩu 3,3 tỷ USD, vượt qua cả gạo, đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả (7,2 tỷ USD). Năm nay, ngành nông nghiệp kỳ vọng xuất khẩu rau quả đạt 8 tỷ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu các khó khăn hiện tại không sớm được tháo gỡ, mục tiêu này sẽ trở nên thách thức hơn bao giờ hết.

Nguồn trích dẫn: website < https://vnexpress.net/thanh-long-vuot-sau-rieng-dan-dau-kim-ngach-xuat-khau-4855141.html >

Ăn thanh long ruột đỏ hay trắng tốt hơn?

Bất kỳ loại thanh long nào cũng mang nhiều dưỡng chất có lợi, còn việc lựa chọn tiêu thụ sản phẩm ruột đỏ hay trắng phụ thuộc sở thích, nhu cầu của mỗi người.

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3 cho biết trong 100 g thanh long có 60 g calo, 13 g carbohydrate, 1,2 g chất đạm, 3 g chất xơ, giàu vitamin C, B1, B2, B3 và các chất khoáng như sắt, canxi và photpho, không chứa chất béo.

Hương vị của thanh long ruột đỏ ngọt hơn so với giống trắng, lý do loại này có hàm lượng đường cao hơn. Trong 100 g thanh long ruột đỏ chứa 11,5 g đường, còn trắng chứa 7,65 g.

So với các loại quả khác, chỉ số đường huyết (GI) của thanh long thấp, trong khoảng 48-52, giàu chất xơ, tốt cho người bệnh tiểu đường. Chất xơ làm chậm quá trình hấp thụ đường hoặc carbohydrate để giữ cho lượng đường trong máu ổn định. Dù vậy, bác sĩ khuyên người tiểu đường và người muốn giảm cân nên chọn tiêu thụ thanh long trắng.

Trong khi đó, hàm lượng anthocyanin, vitamin C, carotene (những chất chống oxy hóa) ở thanh long ruột đỏ cao hơn. Các hợp chất này trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, giúp giảm tổn thương tế bào. Chất chống oxy hóa có lợi trong việc ngăn ngừa các tình trạng viêm nhiễm như viêm do bệnh gout, tiểu đường và các dạng viêm khớp khác. Thanh long ruột trắng cũng có những chất này, nhưng hàm lượng tương đối thấp.

Thanh long đỏ còn là nguồn phẩm màu cho các ngành sản xuất thực phẩm, dược phẩm. Rượu thanh long ruột đỏ thường được đánh giá cao hơn rượu thanh long ruột trắng.

Ngoài ra, các giống thanh long ruột đỏ hiếm hơn và khó kiếm hơn, hầu như đều được nhập khẩu nên giá tương đối đắt. Trong khi giá thanh long ruột trắng tương đối rẻ.

Bác sĩ Vũ nhận định nếu muốn tìm kiếm lượng thịt quả lớn nhất, hãy chọn thanh long ruột trắng có kích thước lớn hơn. Nếu muốn tìm kiếm một hương vị ngọt ngào đậm đặc hơn, hãy chọn loại thanh long ruột đỏ hình tròn để thay thế.

Nhìn chung, bất kỳ loại thanh long nào cũng mang nhiều dưỡng chất có lợi, còn việc lựa chọn tiêu thụ phụ thuộc sở thích của mỗi người. Ảnh: Pexels
Nhìn chung, bất kỳ loại thanh long nào cũng mang nhiều dưỡng chất có lợi, còn việc lựa chọn tiêu thụ phụ thuộc sở thích của mỗi người. Ảnh: Pexels

Những điều cần chú ý khi ăn thanh long

– Liều lượng khuyên dùng thanh long cho bệnh nhân tiểu đường là 2 phần một ngày với mỗi phần khoảng 120 g.

– Những người thường bị lạnh bụng, đại tiện phân lỏng, đầy bụng, không nên ăn thanh long.

– Phụ nữ không nên ăn thanh long trong chu kỳ kinh nguyệt.

– Thanh long chứa nhiều đạm thực vật, phụ nữ mang thai dễ bị dị ứng nên cân nhắc trước khi ăn.

– Đối với thanh long ruột đỏ, không nên ăn quá nhiều vì sẽ khiến cho phân và nước tiểu có màu đỏ sẫm, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Nguồn trích dẫn: website < https://vnexpress.net/an-thanh-long-ruot-do-hay-trang-tot-hon-4847421.html >

Lợi ích khi ăn quả thanh long thường xuyên

Thanh long giàu chất dinh dưỡng như vitamin C, chất chống oxy hóa, giúp tăng cường sức khỏe miễn dịch, tiêu hóa, hỗ trợ phòng một số bệnh mạn tính.

Thanh long là quả nhiệt đới, có nhiều loại như ruột đỏ, ruột trắng. Mọi người có thể thêm thanh long vào salad, sinh tố và sữa chua trong bữa ăn nhẹ. Quả này bổ dưỡng, ăn thường xuyên đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng

Thanh long ít calo nhưng chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin C, chất xơ, chất chống oxy hóa. Một cốc 180 g thanh long có 103 calo, 0,6 g protein, 0,2 g chất béo, 27,4 g carbohydrate, 5,6 g chất xơ, 0,324 mg sắt, 12,6 mg magiê, 7,7 mg vitamin C, 0,2 mg vitamin E. Loại quả này còn cung cấp các hợp chất thực vật có lợi như polyphenol, carotenoid và betacyanin.

Giảm cân

Thanh long ít calo nhưng nhiều chất xơ, lành mạnh cho người muốn duy trì cân nặng khỏe mạnh hoặc giảm cân. Chất xơ tăng cảm giác no lâu hơn, giảm ăn vặt giữa các bữa. Hương vị tươi mát, thanh ngọt của thanh long giúp người ăn kiêng thỏa cơn thèm đường mà không chứa lượng calo dư thừa như đồ ăn vặt khác.

Giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính

Các gốc tự do là các phân tử không ổn định gây tổn thương tế bào, có thể dẫn đến viêm, bệnh tật. Ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như thanh long có thể phòng ngừa các tình trạng này. Một số loại chất chống oxy hóa mạnh trong quả này như vitamin C và carotenoid. Chất chống oxy hóa hoạt động bằng cách trung hòa các gốc tự do, nhờ đó ngăn ngừa tổn thương tế bào, giảm viêm, phòng các bệnh mạn tính như bệnh tim, ung thư, tiểu đường, viêm khớp.

Tăng cường miễn dịch

Duy trì hệ thống miễn dịch mạnh là yếu tố cần thiết để chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Vitamin C trong thanh long hoạt động như chất chống oxy hóa mạnh, bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do.

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Ăn thanh long thường xuyên tốt cho tim mạch nhờ có nhiều chất béo lành mạnh, nhất là omega-3 và omega-9. Những chất béo này hỗ trợ mức cholesterol lành mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Các chất chống oxy hóa cũng góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm viêm và căng thẳng oxy hóa.

Tốt cho tiêu hóa

Đây là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, rất cần thiết cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Chất xơ thúc đẩy nhu động ruột đều đặn, phòng ngừa táo bón, đầy hơi. Do đó, ăn thanh long thường xuyên có thể tăng cường chức năng đường ruột nói chung.

Bảo vệ da

Các chất chống oxy hóa trong thanh long, bao gồm vitamin C, góp phần làm chậm các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn. Điều này là do vitamin C bảo vệ da khỏi tia UV có hại và các gốc tự do – những tác nhân gây lão hóa da sớm. Thanh long giàu nước giúp giữ cho làn da mềm mại và rạng rỡ.

Nguồn trích dẫn: website < https://vnexpress.net/loi-ich-khi-an-qua-thanh-long-thuong-xuyen-4861171.html >

Thanh long tăng giá gấp rưỡi

Mỗi kg thanh long ruột trắng được thương lái thu mua tại vườn với giá 20.000-25.000 đồng một kg, tăng 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ghi nhận tại nhiều vùng trồng ở Tiền Giang, Long An, Bình Thuận, trái thanh long ruột trắng( loại phổ biến) có giá tăng mạnh, lên 20.000-25.000 đồng mỗi kg mua xô. Thậm chí, với thanh long ruột đỏ (chiếm tỷ lệ nhỏ, 5-10%) loại 1 được thương lái mua 45.000 đồng một kg, loại 2 khoảng 40.000 đồng. Với những thương lái mua xô (gồm cả lớn lẫn nhỏ), giá thanh long ruột đỏ là 35.000 đồng, tăng 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 20% so với đầu năm.

Ông Hồ Nhân, nông dân trồng thanh long tại Bình Thuận, cho biết có 3 sào thanh long ruột đỏ đang cho thu hoạch hơn tuần nay. Hiện ông còn khoảng 2 tạ và đang được thương lái trả giá 35.000 đồng một kg xô. Với mức giá này, nhà vườn thu lãi gần 15.000 đồng một kg.

Xuất bán 2,5 tấn với giá 28.000 đồng một kg, ông Luận ở huyện Hàm Thuận Bắc cho hay hơn tháng qua luôn bán thanh long được giá. Tuy nhiên, năng suất năm nay giảm 20% so với cùng kỳ nên sau khi trừ chi phí, gia đình ông chỉ lãi 50 triệu đồng.

Ngoài các hộ trên, nông dân trồng thanh long tại Bình Thuận và Tiền Giang cũng đang thu lãi 250-400 triệu đồng một ha (tùy năng suất). Với những hộ dân trồng lẻ tẻ, mỗi sào (1.000 m2) cho lãi 15-30 triệu đồng.

Thanh Long tại nhà vườn ở Bình Thuận. Ảnh: Minh Hòa
Thanh Long tại nhà vườn ở Bình Thuận. Ảnh: Minh Hòa

Lý giải nguyên nhân giá tăng cao, ông Hồ Nam – thương lái chuyên thu mua thanh long ở Bình Thuận – nói do cầu vượt cung. Hiện nay, mỗi ngày ông chỉ mua được 1-2 tấn, trong khi cùng kỳ 3-4 tấn.

Theo ông, hiện thanh long đang cuối vụ chong đèn nên sản lượng ít. Từ đầu tháng 3 đến nay, giá đã tăng 10.000-15.000 đồng mỗi kg so với tháng 2. Giá sẽ giảm trở lại khi thanh long vào chính vụ

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt nam (Vina Fruit) – cho biết thông thường từ tháng 12 đến tháng 5, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu thanh long để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước. Do đó, giá liên tục đi lên.

Ngoài ra, diện tích thanh long trên cả nước cũng có xu hướng giảm do năm 2023 giá mặt hàng này ở mức thấp khiến nhiều nhà vườn chuyển sang trồng các loại cây khác như sầu riêng, mít… Trong khi đó, tại các vùng trồng thanh long đang phải đối mặt với tình trạng hạn mặn khiến sản lượng suy giảm.

Tuy nhiên, ông Nguyên cũng lưu ý, từ tháng 6 đến tháng 11, Trung Quốc sẽ vào vụ thu hoạch, do đó giá thanh long có thể giảm trở lại.

Hiện ngoài thị trường Trung Quốc, trái thanh long Việt Nam còn xuất khẩu vào nhiều thị trường khác như Thái Lan, Campuchia , Australia, NewZealand, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Thanh long là một trong những trái cây đóng góp thị phần lớn cho rau quả Việt Nam. Những năm trước Covid-19, mỗi năm doanh thu xuất khẩu từ quả này đạt hơn tỷ USD. Tuy nhiên, từ sau Covid-19 đến nay, Trung Quốc trồng được đã khiến giá trị xuất khẩu sụt giảm mạnh, bật ra khỏi nhóm “câu lạc bộ tỷ USD”.

Số liệu từ hải quan cho thấy xuất khẩu thanh long 2 tháng đầu năm đạt 117 triệu USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn trích dẫn: website < https://vnexpress.net/thanh-long-tang-gia-gap-ruoi-4741083.html?utm_source=chatgpt.com >